(Tạp chí Du lịch) – Say mê vẻ đẹp vùng cao một cách “khó lý giải”, Nhiếp ảnh gia Viết Anh Mạnh không chỉ tạo nên chất riêng trong tác phẩm của mình, góp phần quảng bá vẻ đẹp của nhiều vùng miền đến với du khách, công chúng, lan tỏa hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc đến với bạn bè năm châu bằng những giải thưởng quốc tế; mà còn truyền cảm hứng đến những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh. Với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của du lịch vùng cao, anh đã thành lập nhóm “Vùng cao phototour” nhằm tạo ra một sân chơi cho những người có chung sở thích du lịch và nhiếp ảnh, mang lại những góc nhìn, trải nghiệm mới mẻ… Bài: Phan Huyền (Tạp chí Du lịch Việt Nam 3/2023)
Đặt chân lên Hà Giang lần đầu tiên vào năm 2012, Viết Anh Mạnh lập tức bị chinh phục bởi vẻ đẹp hùng vĩ, nguyên sơ của vùng đất địa đầu Tổ quốc. Đặt quyết tâm khám phá Hà Giang trong mọi góc độ, từ đó đến nay, anh đã có mặt ở hầu hết các địa danh của miền cao nguyên đá để thu vào ống kính những khuôn hình sống động về phong cảnh thiên nhiên và chân thực, bình dị về con người trong đời thường, lao động, sản xuất. “Vùng cao luôn là lựa chọn hàng đầu của giới nhiếp ảnh và tôi cũng không ngoại lệ, bởi không gian, cảnh vật, con người nơi đây luôn gợi cảm hứng sáng tác. Về phong cảnh vẫn giữ được nét nguyên sơ, chưa bị mai một hoặc chịu tác động của kiến trúc dưới xuôi. Về con người, đồng bào miền núi rất mộc mạc nhưng chân tình, quý khách phương xa. Ngấm ‘men say’ vùng núi, nên đề tài sáng tác của tôi chủ yếu tập trung về vùng cao, những địa danh nổi tiếng bởi vẻ đẹp khó cưỡng của ruộng bậc thang, của núi non, sông, hồ, thác, suối…”, anh chia sẻ.
NAG. Viết Anh Mạnh (Hà Giang 2022)
Nhiều tác phẩm ảnh vùng cao của Viết Anh Mạnh gây “sốt” bởi khả năng nắm bắt khoảnh khắc, hướng sáng, hướng nắng… “đỉnh” đến mức đáng kinh ngạc. Đó là kết quả của những chuỗi ngày lang thang khám phá, trải nghiệm ở những điều kiện khắc nghiệt nhất để tìm ra các góc độ ưng ý nhất về bố cục, không gian, màu sắc, chất liệu…, Mạnh còn được coi là “cuốn từ điển” về vùng núi, nhất là Hà Giang – anh “nằm lòng” nét đặc sắc của từng địa điểm về cảnh quan, về các loài hoa gắn với từng mùa, những lễ hội của đồng bào miền đất biên ải địa đầu đất nước. Chẳng thế mà, là nghệ sỹ từ miền xuôi lên Hà Giang sáng tác, nhưng anh lại là tác giả có nhiều tác phẩm nhất đăng trên tạp chí Văn nghệ Hà Giang.
“Hà Giang quanh năm phong cảnh lúc nào cũng đẹp, mùa xuân là hoa đào hoa mận; mùa hè ruộng bậc thang mùa nước đổ; mùa thu là thời điểm lúa chín như tấm thảm vàng giữa núi rừng hùng vỹ; cuối năm là sắc màu tam giác mạch giản dị nhưng quyến rũ lạ kỳ…”, anh bày tỏ. Gần 20 năm cầm máy, Viết Anh Mạnh đã “gặt hái” được khá nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế mà bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật đều mơ ước: giải Nhì cuộc thi ảnh Báo Tuổi trẻ 2015; giải Nhì cuộc thi ảnh Hà Nội 2017; giải Nhì cuộc thi Ảnh đẹp Lào Cai 2017; Giải Khuyến khích cuộc thi ảnh quốc tế Tự hào Hà Nội 2019; giải Ba cuộc thi ảnh Lâm Bình (Tuyên Quang) 2020; Huy chương Đồng cuộc thi ảnh môi trường do Cộng hòa Pháp tổ chức năm 2018; Huy chương Bạc cuộc thi ảnh quốc tế 2019 do CLB nhiếp ảnh Gia Định tổ chức; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội 2018; Giải C Ảnh Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang 2022…
Ảnh của Viết Anh Mạnh như đưa người xem vượt qua những cung đường hiểm trở để khám phá những bức họa thiên nhiên quen mà lạ, lạ mà quen. Vẫn là tấm gương trời phản chiếu núi rừng mùa nước đổ, vẫn là tấm thảm vàng mùa lúa chín, nhưng góc máy của anh khiến người xem nao lòng bởi nét điểm xuyết thật “đắt”, như ngôi nhà nhỏ xíu bên sườn núi, như một “cây cô đơn” giữa những thửa ruộng bậc thang trùng điệp…, rồi những khoảnh khắc bình yên, thư thái một cách kỳ diệu của người vùng cao quanh năm gió núi sương trời…
Viết Anh Mạnh gợi về nguồn cội, ký ức đơn sơ, mộc mạc nhưng cũng không kém phần thi vị. Đâu đó, giữa những khuôn hình toàn cảnh, một vài khắc họa chân dung tạo nên điểm nhấn nổi bật, đọng lại những cảm xúc khó quên ở người xem…
Nhiều địa điểm đang trở thành những điểm đến “hot” của du khách như Hang Táu (Mộc Châu), Ngọc Chiến, Nậm Nghiệp (Sơn La)… có công không nhỏ của những người khai phá, trong đó có Mạnh và đồng nghiệp. Anh chia sẻ, trước đây mọi người thường chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù theo hướng Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La), không mấy người biết còn có một hướng khác là đi từ Ngọc Chiến, tất nhiên, đi theo lối này thì vô cùng khó khăn, bởi chỉ là lối mòn do người dân bản địa tự khai phá, xuyên suốt quãng đường chỉ toàn đá hộc lởm chởm. Từ khi nhóm của anh “chinh phục” được đoạn đường này với những hình ảnh “không thể tuyệt vời hơn” về rừng hoa Sơn tra (loài hoa đặc trưng của vùng đất này) trên đường vào, khiến cộng đồng mạng “sốt xình xịch” bởi vẻ đẹp khó cưỡng của sự tinh khôi, huyền bí và đầy quyến rũ… “Để tạo thuận tiện cho du khách, mới đây địa phương đã nâng cấp thành đường bê tông, đáp ứng các phương tiện đến Nậm Nghiệp khám phá, trải nghiệm, đã có thêm nhiều homestay để du khách nghỉ lại”, Mạnh cho biết. Với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của du lịch vùng cao, anh đã thành lập nhóm “Vùng cao phototour” nhằm tạo ra một sân chơi cho những người có chung sở thích du lịch và nhiếp ảnh.
Đây là một loại hình khá mới mẻ và độc đáo. “Dù mới hoạt động, song “Vùng cao phototour” đã được rất nhiều người biết tới, trong đó có những du khách là những người yêu Nhiếp ảnh từ Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh… đã đặt chương trình đi dài ngày Đông, Tây bắc (Mai Châu, Hòa Bình), Mộc Châu, Tà Xùa (Sơn La), Y Tý (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Bản Giốc (Cao Bằng) cho tới Pù Luông (Thanh Hóa)…
Với thế mạnh là kỹ năng, kinh nghiệm chụp ảnh vùng cao, chúng tôi đã có nhiều tác phẩm ảnh đẹp phục vụ du khách, đồng thời, với sự am hiểu về các địa danh và văn hóa vùng, miền, nhóm hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp tới du khách thông tin phong phú về điểm đến, về ẩm thực, phong tục tập quán”, anh chia sẻ…